Từ Ngày 5/12 Sổ Hồng ( GCNQSDĐ) Sẽ Ghi Tên Tất Cả Thành Viên Trong Gia Đình

Sổ hồng sổ đỏ chính chủ

Quy định mới từ Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ TNMT, có hiệu lực thi hành từ 5/12/2017. Và là thay đổi lớn, có tính căn bản, trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCNQSDĐ) hay còn gọi là sổ hồng Sẽ được điền tiên của các thành viên trong gia đình

Cụ thể, tại điều 6, chương 3, Thông tư 33/2017/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Nội dung tại các khoản 4 và 5 sửa đổi như sau:

“4. Sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 5 như sau:

“a) Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…”;”

5. Sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 5 như sau:

“c) Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).”

Quy định, như vậy, được kỳ vọng sẽ tôn trọng quyền tài sản của các thành viên trong gia đình với tài sản chung. Và là một biện pháp để ngăn ngừa tình trạng tranh chấp đất đai hay lừa đảo mua bán đất có sổ đỏ. Thực tế, quy định hiện hành yêu trong một số trường hợp thế chấp ngân hàng, mua bán tài sản phải được sự đồng ý, chấp thuận của các thành viên trong hộ gia đình ngoài chủ hộ.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, giấy tờ tài sản chung không thể hiện tên mọi thành viên trong gia đình. Nên phát sinh tranh chấp khi xuất hiện giao dịch.

Tại sao có sự thay đổi này?

Quy định mới là để tăng tính chặt chẽ và giảm bớt tình trạng tranh chấp pháp lý về sau khi có giao dịch chuyển nhượng về sau.

Thứ nhất, đối với hộ gia đình sử dụng đất, Thông tư mới quy định ghi “Hộ gia đình, gồm..”, sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình và địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Như vậy, là không có sự khác biệt so với Thông tư cũ, chỉ là sự bổ sung về câu chữ (trước đây chỉ ghi “Hộ ông” (hoặc “Hộ bà”).

Tuy nhiên ở vế thứ hai của quy định, nếu như trước đây sổ đỏ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chỉ ghi “người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình” thì nay ghi “người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình” và ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Như vậy rõ ràng, những ai có quyền sử dụng đất/ quyền sở hữu tài sản sẽ đều có tên trên Giấy chứng nhận chứ không chỉ là người đại diện nữa.

Nhiều người đặt vấn đề, thêm tên các thành viên trong gia đình sẽ tạo ra sự tranh chấp khi mua bán, chuyển nhượng?

Tuy nhiên đây không phải là thêm tên các thành viên trong gia đình vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, mà là ghi nhận cụ thể thông tin của những người có quyền sử dụng đất/quyền sở hữu tài sản. Vì vậy nên nó không những không tạo ra sự khó khăn hay rào cản gì mà còn giúp tăng tính pháp lý, giảm những tranh chấp hay kiện tụng khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà nhiều thành viên trong gia đình cùng là chủ sử dụng.